Một nghiên cứu mới kết hợp dữ liệu DNA của loài chó và những gì đã biết về người cổ đại góp phần trả lời câu hỏi chó được thuần hóa ở đâu, khi nào và bằng cách nào.

Nghiên cứu được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences mới đây.

Vào khoảng cuối kỷ băng hà cuối cùng (bắt đầu khoảng 2,6 triệu năm trước và kéo dài cho đến khoảng 11.700 năm trước), một nhóm thợ săn cầm giáo nhọn bằng đá rình rập con mồi của họ trong cái lạnh buốt giá của vùng đông bắc Siberia. Bên cạnh họ là những sinh vật giống sói, nhưng ngoan ngoãn hơn và sẵn sàng giúp đỡ những người thợ săn săn lùng con mồi và lôi thức ăn về trại. Đây là những con chó đầu tiên trên thế giới. Con cháu của những con chó này về sau di cư cả về phía tây và phía đông, cư trú ở lục địa Âu-Á cũng như đồng hành với tổ tiên của thổ dân châu Mỹ khi họ di chuyển sang châu Mỹ. Đó là kịch bản được đặt ra trong nghiên cứu mới.

Nghiên cứu này bắt đầu trong văn phòng của nhà sinh học tiến hóa Greger Larson ở Đại học Oxford. Larson đang trò chuyện với Angela Perri, nhà khảo cổ học ở Đại học Durham, về một câu hỏi hóc búa: nguồn gốc của những con chó cổ đại ở Bắc Mỹ, nơi bằng chứng di truyền và khảo cổ cho thấy loài chó đã sống ít nhất 10.000 năm.

Và họ nghĩ đến việc so sánh lịch sử DNA cổ đại của chó và người. Con người lần đầu tiên chia thành các nhóm khác nhau khi ở Siberia và lần tiếp theo khi họ đến Bắc Mỹ, Perri nhớ lại. Nếu DNA của chó cũng cho thấy các lần chia tách tương tự, điều này có thể tiết lộ thời điểm chó bắt đầu đồng hành với loài người.

Tranh vẽ một người châu Mỹ bản địa và một con chó ở châu Mỹ cổ đại.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ gen của hơn 200 con chó từ khắp nơi trên thế giới, một số có niên đại 10.000 năm. DNA ty thể (mtDNA) cho thấy tất cả những con chó Mỹ cổ đại đều mang một dấu hiệu di truyền — được gọi là A2b — và chúng tách thành bốn nhóm khoảng 15.000 năm trước, khi chúng bắt đầu cư trú ở các vùng khác nhau của Bắc Mỹ.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, thời gian và vị trí của những lần phân tách đó tương ứng với các lần phân tách của các nhóm thổ dân châu Mỹ cổ đại. Tất cả các nhóm thổ dân châu Mỹ cổ đại này đều là hậu duệ của một nhóm, mà các nhà khoa học gọi là tổ tiên của người châu Mỹ bản địa, sinh ra ở Siberia khoảng 21.000 năm trước. Nhóm nghiên cứu kết luận, nhóm Siberia đó đã mang theo những con chó khi họ đến châu Mỹ khoảng 16.000 năm trước.

Đi sâu hơn nữa vào quá khứ di truyền, nhóm nghiên cứu phát hiện, chó mang A2b đúng là hậu duệ của tổ tiên loài chó sống ở Siberia khoảng 23.000 năm trước. Những con chó tổ tiên có lẽ đã sống với những người thuộc nhóm di truyền được gọi là người Bắc Siberia cổ đại, nhóm nghiên cứu phỏng đoán. Người Bắc Siberia cổ đại xuất hiện cách đây hơn 31.000 năm, sống ở một vùng tương đối ôn đới thuộc đông bắc Siberia trong hàng nghìn năm. Và cũng trùng hợp là họ đã chia sẻ ốc đảo này với sói xám, tổ tiên trực tiếp của loài chó ngày nay.

Meltzer nói: “Những người thợ săn có thể đang ngủ trên mặt đất trong bộ lông thú, nướng thịt tươi trên lửa. Nếu bạn là một chú chó đang đói và bạn ngửi thấy mùi thịt nướng, bạn sẽ bị thu hút.” Lý thuyết hàng đầu về việc thuần hóa chó cho rằng sói xám ngày càng nhích lại gần các khu cắm trại của con người để kiếm thức ăn, và một số con đã không ngại ngùng lại gần hẳn, và tiến hóa qua hàng trăm hoặc hàng nghìn năm thành những con chó con hiền lành mà chúng ta biết ngày nay.

Bằng chứng di truyền cho thấy những người Bắc Siberia có thể đã trao đổi chó với nhóm thổ dân châu Mỹ, cũng như với các nhóm người khác, gồm cả những người đi xa hơn về phía tây vào lục địa Âu-Á. Điều này có thể giải thích tại sao chó xuất hiện ở cả châu Âu và Bắc Mỹ khoảng 15.000 năm trước, một câu đố khiến các nhà khoa học trước đó suy đoán rằng chó đã từng được thuần hóa nhiều lần. Thay vào đó, tất cả chó đều có nguồn gốc từ Siberia, nhóm nghiên cứu lập luận.

Peter Savolainen, nhà di truyền học tại Viện Công nghệ Hoàng gia ở Stockholm, không đồng tình với lập luận này. Ông cho biết dấu hiệu A2b mà nhóm tuyên bố là độc quyền cho chó châu Mỹ cũng đã được tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới. Ông lập luận rằng điều này làm vô hiệu toàn bộ phân tích di truyền và nghiên cứu mới “không nói lên điều gì” về việc thuần hóa chó.

Jennifer Raff, nhà di truyền học nhân chủng học tại Đại học Kansas, Lawrence, và chuyên gia về người cổ đại ở châu Mỹ, cho biết: "Tôi thích nghiên cứu này." Nhưng Raff cũng lưu ý, sẽ cần thêm nhiều bộ gen từ những con chó cổ đại và con người để xác nhận những phát hiện, nhưng như hiện tại, "thật ngạc nhiên khi thấy câu chuyện về loài chó và câu chuyện về con người khớp với nhau như thế nào."

Nguồn: